Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XV hoặc đầu thế kỷ XVI (1490-1522), có khuôn viên và cảnh quan thoáng rộng phù hợp với cảnh quan chung của khu vực mà theo ý nghĩa của người xưa có tầm quan trọng tới sự thịnh vượng và sức khoẻ của dân làng. Hướng của Đình theo hướng Đông nhìn ra sông Tô Lịch. Trước Đình có nhà vuông tám mái gọi là Phương Đình, tiếp đó là hồ bán nguyệt. Sau Đình là những gò, đống, cây cối um tùm tạo ra cảnh sơn thuỷ hữu tình.
Qui mô kiến trúc của Đình khá lớn, vừa mang phong cách nghệ thuật kiến trúc dân dụng (kiến trúc gỗ cổ truyền) kết hợp với kiến trúc văn hoá tâm linh thời cổ lưu truyền lại.
Sở dĩ Đình Hạ Đình có tên gọi là Đình Vòng vì Đình được xây dựng trên trục đường đi, hướng Bắc Nam, có đặt 2 trụ đá khắc chữ Hạ Mã, trước Đình có hồ bán nguyệt rất rộng, dài theo trục đường. Kiệu xe muốn đi qua đình phải xuống xe tại trụ “Hạ Mã” để đi qua hoặc vào khuôn viên Đình, người mang đồ uế tạp đi vòng theo con đường chạy quanh hồ hoặc đi vòng phía sau đình để qua phía bên kia.
Trong Đình có hệ thống di vật phong phú về chất liệu và loại hình có giá trị lịch sử văn hoá cao của thời kỳ Lê - Trịnh và Nguyễn.
Theo thần phả, đình thờ 2 vị thiên thần làm Thành Hoàng làng là Cương Lược Đại Vương và Hùng Lược Đại Vương. Hiện nay là Đình còn lưu giữ được 8 đao sắc phong của triều đình nhà Nguyễn từ thời vua Gia Long và bản sắc phong cuối cùng vào năm Khải Đình thứ 9 (1924 tức năm Giáp Tý tháng 7 ngày 25) phong tặng 2 vị Thành Hoàng hiệu Tĩnh hậu Trung đẳng phúc thần.
Đình còn thờ 9 vị quan người làng Hạ Đình đã có công với nước qua các triều đại Lê – Trịnh – Nguyễn và đóng góp xây dựng làng.
* Tiến sĩ, Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Hình Bộ thượng thư Lê Đình Dự.
* Tiến sĩ, Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Tham tri Nghệ An Lê Đình Lại.
* Hoàng Giáp, Thiếu Tuấn đại phu - Hàn Lâm viện hiệu thảo Trường Thời.
* Tiến sĩ, Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Công bộ Tả thị lang Lê Hoàng Tuyên.
* Hoàng Giáp, Phụng Nghị đại phu - Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên.
* Tiến sĩ - Đốc học Hưng Hóa Nguyễn Khuê.
* Phó bảng, Trung nghị đại phu - Lê Đình Xán.
* Cử nhân, Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu - Công bộ Tả thị lang Nguyễn Đình Kỳ.
* Cử nhân- Giáo thụ Thị giảng học sĩ Nguyễn Khắc Chuẩn.
Trong thời kỳ phong kiến, đình còn là trụ sở hành chính của làng, là nơi để dân làng hội họp bàn việc làng, giải quyết các vấn đề hành chính và tư pháp, phân bổ thuế khoá, chia ruộng công cho các giáp và các dòng họ cấy cày hàng năm, là nơi xử kiện, phạt vạ, ra các hướng ước, lệ làng.v.v... đồng thời còn là nơi tiến hành các lễ hội hàng năm.
Trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám – 1945, đình là cơ sở hoạt động cách mạng và cũng là nơi tiễn đưa các con, em của dân làng nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Trải qua bao năm tháng dầm mưa, dãi nắng, gội gió sương cùng với sự tàn phá của giặc Pháp và Mỹ trong 2 cuộc kháng chiến ngôi Đình đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 1992, dân làng đã quyên góp tiền tu tạo và khôi phục lại sinh hoạt văn hoá tâm linh truyền thống theo bản sắc dân tộc Việt Nam. Ngày 18/01/1993, người dân Hạ Đình tự hào và vinh dự đón nhận quyết định và bằng công nhận Đình là di tích lịch sử văn hoá Quốc gia và cũng vào ngày đó đã tiến hành khôi phục tổ chức Lễ hội Đình Vòng sau hơn 40 năm gián đoạn (1952 – 1993).
Phía sau Đình, cách khoảng 300m, Hạ Đình còn có Nghè. Nghè là kiến trúc tôn giáo sớm nhất của người Việt cổ là tiền thân của Đình có thể coi Nghè là nhà của Thành Hoàng, còn Đình là nơi làm việc của Thành Hoàng.